Theo lời kể của những già làng, từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), người Mông đã rất trân trọng và coi đó là tết Độc lập của dân tộc mình. Hàng năm, vào đúng dịp 2/9, người Mông từ các bản làng gần xa lại nô nức rủ nhau xuống trung tâm huyện vui ngày tết Độc lập. Trải qua thời gian, nét đẹp văn hóa ấy đã lan tỏa tới nhiều vùng đồng bào Mông sinh sống trong cả nước, thậm chí vượt ra khỏi biên giới Việt Nam.
Nếu Tết truyền thống tổ tiên người Mông gói gọn trong phạm vi gia đình, họ hàng, cộng đồng bản hoặc giữa bản này với bản kia thì tết Độc lập 2/9 phạm vi rộng hơn, liên kết cộng đồng người Mông giữa các vùng miền. Để tới lễ hội, bà con người Mông phải chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó, họ chọn những con gà, con lợn béo nhất để thết đãi bạn bè, chọn những bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất để xuống phố huyện vui tết. Những chàng trai, cô gái người Mông đều sôi nổi tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao và mua sắm đồ dùng tại các khu chợ.
Múa khèn tại Tết Độc lập của người Mông.Không chỉ có người Mông, đồng bào người Dao, Thái tại các bản làng gần xa cũng nô nức xuống phố huyện để gặp gỡ, kết giao bè bạn. Tết Độc lập còn là dịp để du khách trong và ngoài nước đến Mộc Châu, hòa cùng bầu không khí sôi động, vui vẻ tại đây và trải nghiệm những nét văn hóa đa sắc màu của đồng bào các dân tộc.
Trong không khí vui tết, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo bà con dân tộc và khách du lịch như: thi giã bánh giầy, thi nấu cơm, tung còn, đi cà kheo, vật gậy, đánh tu lu, ném pao, trò chơi rồng ấp trứng… Các tiết mục biểu diễn dân ca, dân vũ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc được tổ chức trên đường phố nhằm quảng bá rộng rãi nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đến với Mộc Châu dịp này, du khách còn được thưởng thức ẩm thực dân tộc đặc sắc, hay dạo quanh khu trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công cụ lao động sản xuất...